Mì Soba
Mì Soba
Tại sao người ta lại ăn mì soba vào dịp cuối năm? Bởi lẽ người Nhật quan niệm rằng “cuộc sống cũng dài như sợi mì soba”. Thế nhưng tại sao lại là mì soba mà không phải là loại mì nào khác? Về vấn đề này có nhiều thuyết khác nhau. Ở đây xin giới thiệu mấy thuyết.
1. Vì sợi mì soba rất dễ cắt nên ăn mì soba để vứt bỏ đi những khó nhọc trong một năm đã qua và ung dung nhàn hạ trong năm mới.
2. Soba là loại thực vật có thể phát triển lại ngay sau những trận mưa gió hay những ngày thời tiết xấu. Vì vậy, ăn mì soba với mong muốn sẽ có thể đứng dậy được sau những khó khăn.
3. Ăn mì soba với mong muốn có thể sống lâu (dài) như sợi mì soba.
Ở vùng Kansai, người ta không ăn mì soba mà ăn udon vì từ “運” (Vận) trong tiếng Nhật đọc là Un và ăn Udon (một loại mì dài, tròn, sợi mì mập) là mong muốn năm tới hạnh vận sẽ dày dặn.
Mì Udon
Tuy nhiên, một điều cực kỳ quan trọng là phải ăn mì soba trước khi Giao thừa đến. Ngày tất niên trong tiếng Nhật được gọi là Oomisoka (大晦日- おおみそか). Oomisoka có nghĩa là ngày cuối cùng của 1 năm. Vào ngày này, người Nhật thường muốn thanh toán hết nợ nần của năm cũ để thong dong bước vào năm mới. Do đó, trong tiếng Nhật có từ Oomisokabarai (大晦日払い), nghĩa là trả nợ cuối năm.
Vào đêm giao thừa joya (除夜), người Nhật thường không ngủ để đón vị thần năm mới và họ cho rằng nếu đi ngủ sớm thì sẽ có nhiều nếp nhăn và tóc bạc. Thông thường sau khi ăn tối xong, đến khoảng 10-11g, người Nhật sẽ ăn toshikoshi soba và phải ăn xong trước khi năm mới đến. Người Nhật cho rằng nếu năm mới đến mà vẫn chưa ăn xong thì duyên khởi của năm đó sẽ xấu.
Đầu năm mới, người Nhật thường đi lễ chùa hoặc đền thờ Thần đạo. Phong tục này gọi là Hatsumode (初詣). Tùy mỗi gia đình, mỗi người mà điểm đến sẽ là những ngôi chùa, đền thờ ở ngay nơi mình sinh sống hay là những địa điểm nổi tiếng . Ở khu vực Tokyo, địa điểm có đông người đến lễ đầu năm nhất là đền thờ Thiên Hoàng Minh Trị (khoảng hơn 3 triệu người), chùa Asakusa hay chùa Kawasaki Taishi. Khi lễ, người Nhật thường ném những đồng tiền xu vào một cái hòm đặt trước bàn thờ Phật hoặc Thần. Những đồng xu cúng tiến này gọi là saisen (賽銭), hòm đựng tiền gọi là saisenbako (賽銭箱). Đồng xu này thường là đồng 5 yên, vì phát âm theo tiếng Nhật là goen, trùng với âm DUYÊN 縁 . Người Nhật cho rằng cúng tiến đồng 5 yên cũng là gửi gắm ước nguyện trong năm mới sẽ có những duyên mới tốt đẹp.
Đồng 5 yên
Sưu tầm- NB24h