TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SANKO VIỆT NAM
Lầu 3, Tòa Nhà Phụ Nữ, số 20, Nguyễn Đăng Giai, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM

12 điều thú vị của xứ sở Hoa anh đào

28/12/2016

1.SHICHI FUKUJIN – THẤT PHÚC THẦN

Bảy vị thần với vẻ ngoài ngộ nghĩnh, thường xuất hiện trên con thuyền Takarabune chứa đầy kho báu, là biểu tượng may mắn quen thuộc của người Nhật. Thần Hotei mang lại sự thịnh vượng và sức khỏe; thần Juroujin mang lại sự trường thọ; thần Benzaiten là nữ thần tri thức, vẻ đẹp nghệ thuật,… Trong đó, được yêu mến nhất là thần Ebisu- vị thần duy nhất đến từ Nhật Bản, bảo hộ cho dân chài và nhà buôn trên biển, tay thường cầm một con cá tráp lớn.

2. MANEKI NEKO – CHÚ MÈO CỦA NHÂN DUYÊN VÀ TÀI LỘC

Chú mèo vẫy tay thường được trưng ở lối nhà hàng, cửa hiệu, công ty và được xem là Engimono tiêu biểu của Nhật Bản. Nếu chú giơ tay phải lên, đó có nghĩa là tài lộc sẽ đến, còn nếu chú giơ tay trái lên, có nghĩa là nhân duyên, quý nhân sẽ đến. Nếu trưng 2 con cùng lúc, bạn nhớ hướng tay vẫy của chúng ra ngoài. Ngoài ra, bạn sẽ gặp được nhiều điềm lành hơn nếu cánh tay Maneki Neko của bạn vẩy cao qua đôi tai.

3. OMAMORI – BÙA BẢO HỘ CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU THƯƠNG
Người Nhật thường tặng Omamori cho bạn bè, người thân khi họ sắp sinh nở hay chuẩn bị thi cử. Thường gặp nhất là loại Omamori làm bằng vải thêu hình hoa cúc, bên trong có mảnh giấy hoặc miếng gỗ đã viết lời cầu nguyện. Sau khi giữ bên mình đúng một năm, thường thì người Nhật sẽ trả lại Omamori cho Thần điện / chùa – nơi mà họ đã mua để đem đốt.

4. TSURU – HẠC GIẤY NGUYỆN ƯỚC
Người Nhật tin rằng hạc là linh điểu (Tanchozuru) sống 1000 năm, vì thế, văn hóa tâm linh của người Nhật gắn liền với loài chim thiêng này. Hạc giấy tượng trưng cho duyên may, ước vọng hòa bình và sự hồi sinh. Người Nhật tâm niệm rằng khi gấp 1000 con hạc giấy (Senbazuru) kỳ tích sẽ xuất hiện và nguyện ước thành hiện thực.

5. KOINOBORI – LỜI CẦU CHÚC CHO CÁC BÉ TRAI
Cờ Koinobori đón gió được treo trong dịp tết của các bé trai vào ngày 5 tháng 5. Cá chép là biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm dựa trên truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Cây cờ Koinobori gồm một cột cờ, đôi bánh xe mũi tên (Yaguruma), chong chóng tròn (Hiryu fukinagashi) và cờ cá chép. Cờ cá chép màu đen lớn nhất tượng trưng cho người bố, cờ cá chép đỏ, lớn nhất là người mẹ, cờ cá chép nhỏ hơn là các con trong gia đình.

6. FURIN- TIẾNG GIÓ AN LÀNH
Furin được người Nhật treo trước mái hiên trên cửa sổ và trên những cành cây dẫn lối vào nhà. Những chiếc chuông đón gió là cách “làm mát tinh thần” trong những ngày hè oi ả. Trong quan niệm của người Nhật, Furin còn là vật trấn tà, mang lại điềm lành cho gia đình. Một số Furin được treo thêm mảnh giấy nhỏ ghi điều ước mang tâm nguyện gửi trong gió mỗi lần chuông reo.

7. EMA – TÂM THƯ GỬI THẦN LINH
Trong đời sống tâm linh muôn sắc, đầy hàm ơn và ước vọng của người Nhật, không thể không kể đến những thẻ gỗ Ema cầu duyên an và phúc lành được treo ở hành lang, cổng, sảnh lớn của những ngôi chùa. Ema như một “bức tâm thư” để người Nhật “trò chuyện” với các vị thần, giãi bày mong ước cháy bỏng trong lòng họ.

8. INU HARIKO – CHÚ CHÓ BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM
Đúng như tên gọi được ghép từ “Inu” – con chó và “Hariko” – giấy bôi. Inu Hariko là chú chó làm từ giấy bôi, thường được sử dụng như một vật đem lại may mắn cho phụ nữ mang bầu và trẻ em. Loại khuyển được người Nhật xem là loài vật có thể xua đuổi ma quỷ, đồng thời cũng là biểu tượng của sự mắng đẻ và sinh đẻ dễ dàng. Chú đội chiếc giỏ tre trên đầu với ý nghĩa cầu chúc bạn sinh ra một em bé vui vẻ (trong tiếng Nhật, chữ “tre” đặt trên chữ “khuyển” tạo thành chữ “tiếu”, tức là cười).

9. AKABEKO – LINH VẬT HỘ MỆNH CHO TRẺ NHỎ
Akabeko là món đồ chơi làm bằng giấy bôi xuất xứ từ vùng Aizu. Akebeko được ghép từ chữ “Aka” có nghĩa màu đỏ, “Beko” có nghĩa là con bò. Akabeko là vật thiêng hộ mệnh đẩy lùi bệnh tật mang lại sức khỏe và điều tốt lành cho trẻ nhỏ.

10. SENSU – THỔI ĐIỀU TỐT LÀNH ĐẾN MUÔN NĂM
Người Nhật tạo ra chiếc quạt xếp Sensu vào khoảng 1300 năm trước. Ban đầu, do được ghép từ những mảnh gỗ cây bách nên chúng được gọi là Hyogi, sau mới sử dụng giấy Washi truyền thống dán lên khung tre thành Sensu bây giờ. Với ý nghĩa “thổi” những điều tốt lành đi khắp nơi, Sensu trở thành Engimono mang ý nghĩa chúc tụng, thường được dùng làm quà tặng trong các dịp như cưới hỏi,…Sensu có rất nhiều loại và hoa văn, có nhiều loại còn tỏa ra mùi hương khi quạt.

11. KOKESHI – BÚP BÊ BÌNH AN
Người Nhật xưa điêu khắc Kokeshi từ gỗ Mizuki mang nghĩa đen là “cây nước” nên họ tin rằng Kokeshi là vật thiêng trấn hỏa hoạn cho ngôi nhà. Ngoài ra, búp be Kokeshi còn là món đồ chơi bảo vệ trẻ em mang đến sự khỏe mạnh và bình an cho đứa trẻ.

12. DARUMA - ẤP Ủ NHỮNG ƯỚC MƠ
Engimono tượng trưng cho ước mơ và nghị lực “7 lần ngã 8 lần đứng dậy”. Khi bạn ấp ủ điều gì, hãy thành tâm cầu ước và dùng bút đen tô vào con mắt bên trái của Daruma và đặt nó tại nơi dễ thấy nhất trong nhà để nhắc nhở về ước vọng của mình. Khi điều ước thành hiện thực, hãy tô nốt con mắt còn lại.

 

 Nguồn: Kilala

 
 
 
 

Đăng ký học ở form dưới đây

Các tin bài khác